Giới thiệu chung
Xã Hồng Long là xã vùng đồng bằng, nằm về phía Đông Nam cách trung tâm huyện Nam Đàn 6km, cách thành phố Vinh khoảng 20 km. Là xã nằm ở phía tả ngạn sông Lam có toạ độ địa lý từ 18o39’9”, vĩ độ Bắc và 105o 31’50” kinh độ Đông, phía Bắc giáp xã Hùng Tiến, phía Nam giáp xã Xuân Lâm, phía Tây giáp Sông Lam, phía Đông giáp xã Kim Liên.
Trước năm 1945, vùng đất của xã Hồng Long ngày nay thuộc đất của các làng Nhạn Tháp, Thượng Nậm, Làng Long Môn, làng Xuân Thịnh và làng Thiện Mỹ thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, cũng như các huyện khác, Nam Đàn tiến hành bãi bỏ cấp tổng và tách nhập các xã trên địa bàn hình thành 19 xã mới. Trong đó các làng Nhạn Tháp, làng Thượng Nậm thuộc xã Tự Trì, còn các làng Long Môn, làng Xuân thịnh, Thiện Mỹ thuộc xã Lâm Thịnh. Như vậy vùng đất Hồng Long ngày nay, lúc đó thuộc hai xã là Tự Trì và Lâm Thịnh.
Đến tháng 7 năm 1947, huyện Nam Đàn có chủ trương sắp xếp lại các tổ chức từ huyện đến xã, theo đó huyện nhập từ 19 xã cũ thành 12 xã mới. Trong đó xã Tự Trì vân giữ nguyên còn xã Lâm Thịnh thì nhập với xã Xuân La thành xã Xuân Lâm. Như vậy vùng đất xã Hồng Long ngày nay lại thuộc hai xã khác nhau đó là Tự Trì và Xuân lâm.
Đến tháng 3 năm 1952, thực hiện chủ trương của cấp trên, huyện Nam Đàn lại chia 12 xã cũ thành 20 xã mới, trong đó xã Tự Trì đổi tên mới là xã Đông Tiến, còn xã Xuân Lâm chia thành 2 xã Xuân Lâm và Xuân Tiến. Trong đó xã Xuân Tiến bao gồm các làng trong xã Lâm Thịnh cũ. Như vậy đến lúc này thì vùng đất xã Hồng Long lại thuộc đất của hai xã là Đông Tiến và Xuân Tiến.
Đến năm 1954, sau phát động quần chúng giảm tô, thực hiện chủ trương của cấp Huyện Nam Đàn từ 20 xã được chia thành 33 xã và 1 thị trấn, các xã đều có chữ Nam đứng đầu. Trong đó, 2 làng Nhạn Tháp và Thượng nậm thành lập thành xã Nam Hồng. Còn 3 làng Long Môn, Xuân Thịnh, Thiện Mỹ lập thành xã Nam Long.
Đến năm 1969, do yêu cầu tổ chức sản xuất nên các đơn vị hành chính cơ sở trên có sự điều chỉnh lại. Huyện Nam Đàn lại sáp nhập 2 xã Nam Hồng và Nam Long thành xã Hồng Long. Tên xã Hồng Long bắt đầu từ đó và ổn định cho tới bây giờ.
Xã Hồng Long sau khi thực hiện chính sách sát nhập thôn xóm của Nhà nước, nay 13 xóm được sát nhập thành 4 xóm dân cư sinh sống, nhân dân chủ yếu phát triển kinh tế bằng các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, buôn bán, kinh doanh. Đảng bộ xã có 252 đảng viên, gồm có 7 chi bộ trong đó có 02 chi bộ nhà trường, 01 Chi bộ trạm y tế và 4 Chi bộ nông thôn. Toàn xã có 10 mẹ được nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, xã có 497 gia đình chính sách, người có công với cách mạng;101 đồng chí thương binh; 26 đồng chí bệnh binh.