Kính gửi: Các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, các gia đình tổ chức các sự kiện bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng trên địa bàn xã Xuân Lâm
Để đảm bảo điều kiện bảo đảm ATTP các dịch vụ phục vụ bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng, UBND xã Xuân Lâm yêu cầu các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, các gia đình tổ chức các sự kiện bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng thực hiện đảm bảo các điều kiện ATTP sau đây:
1. Địa điểm phục vụ cho ăn uống: Nên hình thành một số khu vực riêng biệt phục vụ cho hoạt động tập kết nguyên liệu, sơ chế, chế biến, phân chia thức ăn, khu vực ăn uống:
a) Khu vực tập kết nguyên liệu thực phẩm: Đây là khu vực dùng để tiếp nhận và bảo quản nguyên liệu. Khu vực này cần tách biệt để thuận lợi cho việc tiếp nhận và kiểm tra chất lượng nguyên liệu cũng như quản lý; đảm bảo thoáng khí, khô ráo, sạch sẽ, có giá kệ để kê thực phẩm. Đối với các sản phẩm thực phẩm yêu cầu bảo quản lạnh như thịt, hải sản,... cần có tủ lạnh để bảo quản (nếu để thời gian dài)
b) Khu sơ chế, chế biến thực phẩm và nấu nướng thức ăn: Đây là khu vực quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Có các yêu cầu cụ thể: môi trường thông thoáng, sạch sẽ; có mái che để tránh mưa nắng, có che chắn xung quanh để chống ruồi, nhặng, côn trùng xâm nhập; nền cao,thoát nước tốt; bố trí đầy đủ nước sạch để phục vụ sơ chế, chế biến thực phẩm; trang bị đầy đủ thau, chậu, dụng cụ để rửa nguyên liệu, giá, bàn để nguyên liệu; trang bị đầy đủ dụng cụ thái, chặt, cắt nguyên liệu và thức ăn chín riêng biệt; bố trí đủ thùng đựng rác hợp vệ sinh.
c) Khu vực chia thức ăn sau khi chế biến: Yêu cầu môi trường khu vực này phải sạch sẽ, thoáng mát thường xuyên, có mái che để tránh mưa nắng, có che chắn xung quanh để chống bụi bẩn; có dụng cụ để chống ruồi, nhặng và xâm nhập của côn trùng; đủ dụng cụ, đĩa, bát để chia đựng thức ăn, có giá để đặt thức ăn.
d) Khu vực ăn uống: Đây là khu vực dùng để tổ chức bàn ăn cho khách trong bữa tiệc. Yêu cầu khu vực này phải có mái che để đảm bảo tránh được nắng, mưa; đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thoáng gió; trang bị đầy đủ bàn ăn và có đủ ghế ngồi.
2. Trang thiết bị dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm:
- Trang bị bàn chế biến phù hợp, đảm bảo vệ sinh và không thôi nhiễm vào thực phẩm;
- Thớt thái, chặt: bố trí thớt dành riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín, tránh được sự ô nhiễm chéo;
- Nồi, xoong, chảo, muỗng, thìa sử dụng loại không rỉ, dụng cụ phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần chế biến;
- Trang bị nước rửa bát, xà bông đầy đủ, phù hợp và để tránh xa khu vực chế biến, nấu nướng;
- Trang thiết bị bảo hộ: Tạp dề, mũ, khẩu trang, găng tay,...
3. Người quản lý và trực tiếp chế biến thức ăn
3.1 Đối với loại hình do gia đình tự tổ chức chế biến
- Gia đình cử một người chịu trách nhiệm chính chỉ đạo, giám sát hoạt động sơ chế, chế biến thực phẩm.
- Người trực tiếp chế biến không mắc các bệnh ngoài da như vết thương hở tay, bệnh nấm, nấm móng tay,...và các bệnh truyền nhiễm khác.
- Người mua thực phẩm nên chọn những người có kinh nghiệm để lựa chọn thực phẩm đảm bảo chất lượng.
3.2 Đối với loại hình thuê các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tổ chức chế biến tại cộng đồng
- Hồ sơ phải đảm bảo đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; được xác nhận có kiến thức về an toàn thực phẩm, Giấy khám sức khỏe theo quy định.
- Nhân viên trực tiếp tham gia sơ chế, chế biến và phân chia thức ăn phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
4. Nguồn gốc thực phẩm được sử dụng chế biến thức ăn
- Đối với nguyên liệu bao gói sẵn còn hạn sử dụng, nguyên nhãn mác, không bị phồng méo so với bình thường,...
- Đối với thực phẩm như thịt, cá, tôm, mực,... phải tươi nguyên, có nguồn gốc rõ ràng.
5. Thức ăn, đồ uống sử dụng:
- Thức ăn chế biến xong không để quá 2 giờ đồng hồ nếu quá 2 tiếng đồng hồ phải hâm nóng lại thực phẩm và trong quá trình chế biến xong phải được che kín tránh xâm nhập côn trùng, bụi bẩn.
- Không nên sử dụng các loại thức ăn không qua chế biến như: Tiết canh, gỏi cá, thịt tái,....
- Các loại đồ uống như rượu, bia, nước ngọt...phải có nguồn gốc xuất xứ, còn hạn sử dụng.
- Đá lạnh dùng liền phải được mua từ cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bảo quản sạch sẽ, an toàn.
6. Trang thiết bị và dụng cụ lưu mẫu:
6.1 Đối với loại hình do gia đình tự tổ chức chế biến
- Tủ lưu mẫu: Mẫu thực phẩm được lưu tại Trạm Y tế xã;
- Dụng cụ lưu mẫu: Do UBND xã trang bị.
6.2 Đối với loại hình thuê các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tổ chức chế biến tại cộng đồng: Do cơ sở tự đảm bảo và tổ chức lưu mẫu theo quy định của pháp luật.
Trên đây là thông báo hướng dẫn các điều kiện bảo đảm ATTP các dịch vụ phục vụ bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng trên địa bàn xã Xuân Lâm năm 2023. UBND xã Xuân Lâm yêu cầu các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, các gia đình tổ chức các sự kiện bữa cỗ tập trung đông người tổ chức tại cộng đồng trên địa bàn xã Xuân Lâm nghiêm túc thực hiện, UBND xã Xuân Lâm sẽ thành lập đoàn kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở vi phạm điều kiện an toàn thực phẩm.