+ Địa lý hành chính:
Trước năm 1945, vùng đất của xã Hồng Long ngày nay thuộc đất của các làng Nhạn Tháp, Thượng Nậm, Làng Long Môn, làng Xuân Thịnh và làng Thiện Mỹ thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, cũng như các huyện khác, Nam Đàn tiến hành bãi bỏ cấp tổng và tách nhập các xã trên địa bàn hình thành 19 xã mới. Trong đó các làng Nhạn Tháp, làng Thượng Nậm thuộc xã Tự Trì, còn các làng Long Môn, làng Xuân thịnh, Thiện Mỹ thuộc xã Lâm Thịnh. Như vậy vùng đất Hồng Long ngày nay, lúc đó thuộc hai xã là Tự Trì và Lâm Thịnh.
Đến tháng 7 năm 1947, huyện nam Đàn có chủ trương sắp xếp lại các tổ chức từ huyện đến xã, theo đó huyện nhập từ 19 xã cũ thành 12 xã mới. Trong đó xã Tự Trì vân giữ nguyên còn xã Lâm Thịnh thì nhập với xã Xuân La thành xã Xuân Lâm. Như vậy vùng đất xã Hồng Long ngày nay lại thuộc hai xã khác nhau đó là Tự Trì và Xuân lâm.
Đến tháng 3 năm 1952, thực hiện chủ trương của cấp trên, huyện Nam Đàn lại chia 12 xã cũ thành 20 xã mới, trong đó xã Tự Trì đổi tên mới là xã Đông Tiến, còn xã Xuân Lâm chia thành 2 xã Xuân Lâm và Xuân Tiến. Trong đó xã Xuân Tiến bao gồm các làng trong xã Lâm Thịnh cũ. Như vậy đến lúc này thì vùng đất xã Hồng Long lại thuộc đất của hai xã là Đông Tiến và Xuân Tiến.
Đến năm 1954, sau phát động quần chúng giảm tô, thực hiện chủ trương của cấp Huyện Nam Đàn từ 20 xã được chia thành 33 xã và 1 thị trấn, các xã đều có chữ Nam đứng đầu. Trong đó, 2 làng Nhạn Tháp và Thượng nậm thành lập thành xã Nam Hồng. Còn 3 làng long Môn, Xuân Thịnh, Thiện Mỹ lập thành xã Nam Long.
Đến năm 1969, do yêu cầu tổ chức sản xuất nên các đơn vị hành chính cơ sở trên có sự điều chỉnh lại. Huyện Nam Đàn lại sáp nhập 2 xã Nam Hồng và Nam Long thành xã Hồng Long. Tên xã Hồng Long bắt đầu từ đó và ổn định cho tới bây giờ.
+ Văn hoá:
Hồng Long là xã thuần nông từ xưa nhân dân chủ yếu sống dựa vào nghề trồng lúa nước và đánh bắt thuỷ sản. Bên cạnh đó còn có 1 số nghề phụ như làm mộc, đan lát, đệt lụa, may mặc, đóng thuyền…Sinh sống ven Sông Lam, có bãi bồi nên từ xưa vùng đất này được nhân dân trồng dâu nuôi tằm để ươm tơ đệt lụa…Đa số phụ nữ Hồng Long trước kia đều biết đến nghề nuôi tằm đệt vải. Sự phát triển kinh tế đã tạo nền móng cho sự xuất hiện của các chợ. Từ xưa Hồng Long đã nổi tiếng bởi chợ Huyện, chợ Hồng. Chợ Hồng lúc đầu đóng ở ngoài đê, sau được chuyển vào trong đê. Các chợ của Hồng Long rất tấp nập, khung cảnh trên chợ dưới thuyền với các hàng nông – lâm – thuỷ sản không chỉ ở trong vùng Nam Đàn mà còn có ở các vùng khác như Đức Thọ, Hưng Nguyên. Chỉ đến những năm bom Mỹ đánh phá thì chợ không còn họp nữa rồi dần dần mai một đi.
Về đời sống văn hoá tinh thần của người dân Hồng Long xưa cũng rất phong phú.
Về tôn giáo: Trước thế kỷ XVIII HỒng Long có các tôn giáo như Phật giáo, đạo giáo, nho giáo . Các dấu tích của các tôn giáo này hiện vẫn còn trên đất Hồng Long. Đối với Phật giáo thì có chùa Múc, chùa Yểng, chùa Thành, chùa Ngầm. Đối với Nho giáo thì có Nhà Thánh ở làng Nhạn Tháp, làng Long Môn. Còn đối với Đạo giáo có Đền Cượng Kỵ, đền Nhạn Tháp…
Đến thế kỷ XIV, ở Hồng Long xuất hiện thêm tôn giáo mới đó là Thiên Chúa giáo, hiện nay trong xã có 2 nhà thờ Thiên chúa giáo đó là nhà thờ xứ Thượng Nậm và nhà thờ xứ Ngọc Thôn.
Về tín ngưỡng cũng như mọi người trên đất nước Việt Nam, người dân Hồng Long có tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ thành hoàng làng, thờ Thần thổ công…
Về tín ngưỡng Thành Hoàng Làng ở Hồng Long diễn ra từ rất sớm, đon cử như Đền Nhạn Tháp là để thờ Lý Nhật Quang – người có công khai khẩn ra vùng đất này và được xem là Thành Hoàng làng. Hay ở làng Long Môn, nhân dân lập đền thờ để thờ Tiến sĩ Nguyễn Khắc Văn, một người con của làng học giỏi thi đậu làm quan, có công giúp nước giúp dân.
Phong tục tập quán của người dân Hồng Long cũng như các vùng khác trên huyện nam Đàn đó là kính trên nhường dưới, tôn trọng người cao tuổi, cưới hỏi ma chay, cúng giỗ…
Về truyền thống hiếu học, từ xưa, vùng đất Nam Đàn nói chung Hồng Long nói riêng nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Trong thời kỳ phong kiến nhiều người con của Hồng Long thi cử đỗ đạt. Ngày nay cũng vậy, nhiều người con của quê hương Hồng Long đang tiếp bước cha anh của mình đẻ học hành, thi cử đỗ đạt.
Các sinh hoạt văn hoá, lễ hội ở Hồng Long rất phong phú và đa dạng. ngoài các lễ hội chung của dân tộc, Hông Long còn có lễ hội riêng như lễ hội Đền Nhạn Tháp vào 15/3 AL gọi là lễ thanh minh. Các tiết mục văn nghệ trước đây cũng rất phong phú, Hồng Long là vùng đất của những điệu hát đối, hát ví, hát phường vải.
Như vậy có thể thấy Hồng Long là một vùng đất có phong cảnh hữu tình, truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời. nơi đây từng là 1 thắng địa của cả vùng xứ Nghệ ngày xưa, với nhiều di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc, tâm linh. Qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, thay đổi tên gọi và thành xã Hồng Long cho đến ngày nay.